3 bí quyết thành công của website bán hàng
Nhiều doanh nghiệp đã tạo nên cho mình một website bán hàng và xem đó là chất xúc tác cho mối quan hệ khăng khít với khách hàng lẫn những đối tượng tiềm năng.
Vì thế, họ đưa vào đấy tất cả những gì được xem là tốt nhất với các danh sách hàng hóa dài bất tận và những thiết kế đồ họa bắt mắt với chi phí đầu tư không hề thấp. Họ tin rằng điều ấy đã là quá đủ để gặt hái thành công. Họ không để ý rằng điều nên thực hiện đầu tiên là đảm bảo trang web phải thực sự là một quá trình bán hàng khép kín.
Sẽ chẳng được gì nếu người vào xem web thật đông nhưng chẳng ai mua hàng. Do đó, hãy theo đuổi ba kế hoạch bán hàng sau đây nếu bạn đang ôm ấp một ý định về chiến lược bán hàng qua mạng.
1. Để mẫu quảng bá bán hàng trong hình thức “đỉnh” nhất
Bạn chỉ có không quá năm giây đồng hồ để thuyết phục người khác lưu lại và xem tiếp website của mình nên dòng tiêu đề của bạn phải bám chặt lấy tâm trí họ và lôi cuốn họ. Dòng tiêu đề xuất sắc nhất nói với người xem rằng họ đã đạt đúng những gì họ đang tìm kiếm và kích thích sự tò mò của họ.
Tiếp đó, hãy để nội dung phần tiếp thị làm tốt nhiệm vụ biến người xem hàng trở thành người mua hàng thật sự thông qua một quá trình hợp lý sau đây:
Xác định rõ vấn đề của họ và xây dựng lòng tin tưởng của họ.
Hứa hẹn và giải thích vì sao bạn có thể giúp ích họ.
Kể với họ về những ích lợi họ sẽ nhận được từ sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Vượt qua mọi rào cản mà họ đang đối mặt.
Khuyến khích họ hành động và chỉ dẫn họ chính xác điều gì nên làm. Một trang quảng cáo hay sẽ đưa đón người đọc đi qua một giai đoạn bán hàng thật chặt chẽ. Hãy kiểm tra lại mẫu quảng cáo của mình để xem mọi yếu tố đã nêu có đúng trật tự chưa, nếu không, bạn nên sớm điều chỉnh nó.
2. Thu nhặt những lời nhận xét
Một lời nhận xét tốt có thể sẽ thuyết phục thậm chí những khách hàng tiềm năng đầy hoài nghi nhất. Nếu bạn là một doanh nghiệp tên tuổi, những lời nhận xét ấy là một minh chứng quan trọng về tính năng làm việc của sản phẩm và thể hiện được chữ tín của bạn. Còn nếu bạn đang vận hành một doanh nghiệp nhỏ với danh tiếng chưa nhiều thì đó càng là điều không thể thiếu.
Nếu bạn chưa có ý kiến phản hồi nào từ khách hàng, hãy gửi sản phẩm của mình đến một nhóm người thuộc mục tiêu thị trường chính của mình để đổi lấy những hồi âm từ họ.
Nếu có những lời phản hồi tích cực từ khách hàng, bạn nên tiếp xúc với họ để xin phép việc dùng ý kiến ấy trong quảng cáo của mình.
Hãy chịu khó mời khách hàng nói lên những điều chân thật nhất thông qua một dòng link email có nội dung “Xin hãy click vào đây để kể cho chúng tôi nghe về những gì bạn nghĩ!”.
Thường xuyên gửi email cho khách hàng để hỏi xem họ có thật sự thích thú với sản phẩm đã mua không.
Bạn cũng đừng quên để người vào xem website biết được đó là những lời nhận xét từ những con người thực. Tên họ và nơi cư trú sẽ chứng minh điều ấy, và nếu có thể một tấm hình, thậm chí một đoạn video là rất tuyệt vời. Nên đính kèm những ý kiến của khách hàng trên website của mình xen kẽ nội dung quảng cáo, hoặc trên một chuyên trang ghi nhận các ý kiến khách hàng.
3 Hãy để việc mua hàng thật dễ dàng
Theo thống kê từ một tập đoàn nghiên cứu thị trường là Gartner Group, trong năm 2008, có không dưới 50% các website bán hàng bị mất khách vì người xem không thể tìm đến những gì họ cần. Để tránh nguy cơ ấy, bạn nên:
Đặt tên rõ ràng cho những nút bấm định vị để khách hàng dễ dàng tìm thấy chúng.
Giữ hệ thống nút bấm định vị thật đơn giản và thông suốt trên toàn bộ website để người mua không phải click quá nhiều chỗ không cần thiết. Tốt nhất là không để khách hàng phải click đến nút thứ ba khi mua hàng.
Cung cấp nhiều hình thức thanh toán.
Trên đơn đặt hàng, không nên hỏi quá nhiều thông tin cá nhân của khách hàng vì tâm lý người sử dụng Internet không thích tiết lộ thông tin về mình.
Đừng xem thường việc đính kèm một số điện thoại trên website để khi cần người sử dụng có thể liên lạc trực tiếp
Sưu tầm